Thánh Phô-ê-lân Giám Mục Tử Đạo
Thánh Phô-ê-lân sinh vào ngày 24 tháng 10 năm 600 tại Ai-len. Ngài có
nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo mỗi ngôn ngữ, chẳng hạn như Foillan, Faelan,
Feuillien, Faolan, Foelan, Fuilanus, Feuillien, Pholien hay Foalan. Cha của
Ngài là quận vương Fyltan của Mounster. Ngài có một người anh và một người em,
cả hai đều làm Thánh, đó là Thánh Ultanus và Thánh Fursa. Tuy nhiên, không ai
biết chính xác Ngài đã được sinh ra tại đâu trên đất Ai-len.
Có lẽ Ngài đã bị tác động rất mạnh bởi lối sống của anh trai trong đời
sống Đan Tu, nên chính Ngài cũng đã gia nhập đời sống này. Trở thành Đan-sĩ
chưa được bao lâu thì Ngài được bầu làm Viện Phụ của Đan Viện Cnobheresburg.
Đan Viện này nằm trong lãnh thổ của lãnh chúa vùng Đông nước Anh, và do chính
anh trai Ngài thành lập vào giữa những năm từ 634 tới 650. Tuy nhiên, Đan Viện
này đã không tồn tại nguyên vẹn cho tới ngày nay, có lẽ giờ đây là Burgh
Castle, Great Yarmouth, thuộc vùng Norfolk. Sau khi cuộc chiến tranh giữa Penda
Mercia và nữ hoàng Anna thuộc vùng Đông nước Anh xảy ra, Đan Viện này đã bị tàn
phá gần hết, chỉ còn lại một số vết tích.
Trong
cuộc chiến nêu trên, Thánh Phô-ê-lân đã cố gắng bảo vệ các Thánh Tích của Đan
Viện cũng như các sách vở liên quan đến Giáo hội. Mang theo mình những Thánh
Tích và những sách vở nêu trên, cùng với hai Đan Sĩ khác, Ngài đã trốn đến
Péronne, một khu vực nằm ở miền Bắc nước Pháp. Tại đây, Ngài được đón tiếp bởi
Erchinoald – một quan chức cấp cao của triều đình Pippin.
Một
số nguồn tài liệu cho biết rằng, trong cuộc hành hương tới Rô-ma, Thánh
Phô-ê-lân đã được Đức Giáo Hoàng Martin I cho trú ngụ, và chính vị Giáo Hoàng
này đã phong chức Giám mục cho Viện Phụ Phô-ê-lân, rồi cử Ngài đi truyền giáo.
Sau
khi được tấn phong Giám Mục, Đức Cha Phô-ê-lân đã đi tới Nivelles, Pháp Quốc.
Tại đó có một Nữ Đan Viện do bà Itta, vợ của vua Pippin Cả thành lập, và chính
bà, sau khi chồng qua đời, cũng đã vào sống trong Đan Viện đó với tư cách là
một Nữ Đan Sĩ. Gần khu vực Nữ Đan Viện này cũng có một Đan Viện khác dành cho
nam giới. Đức Cha Phô-ê-lân đã đến sống tại Nam Đan Viện đó, nhưng thường xuyên
đến dậy học tại Nữ Đan Viện của bà Itta. Con gái của bà Itta là Gertrud de
Nivelles cũng thành lập một Đan Viện, đó là Đan Viện Fosses thuộc vùng Namur,
Bắc Pháp. Theo đề nghị của bà Gertrud, Đức Cha Phô-ê-lân đã thành lập một bệnh
viện và một Đan Viện khác, tức Đan Viên St-Maur-des-Fosses, và đã trở thành
Viện Phụ của Đan Viện này.
Đức
Cha Phô-ê-lân thường xuyên giữ mối liên lạc với Đan Viện Mẹ Nivelles. Chiều
ngày 30 tháng 10 năm 655, Ngài đã đến thăm Đan Viện này và đã cử hành một giờ
Kinh Đêm tại đó. Sáng hôm sau, tức ngày 31 tháng 10, cùng với Ba Đan Sĩ khác,
Ngài đã lên đường trở về Đan Viện của mình. Tuy nhiên khi đi ngang qua khu rừng
Soigne, tức khu vực thành phố Roeulx ngày nay, các Ngài đã rơi vào tay bọn cướp
và đã bị chúng sát hại. Chúng đã chém đầu các Ngài. Và sau khi sát hại các
Ngài, chúng liền đem thi thể các Ngài chôn giấu trong một trại nuôi heo gần đó.
Tuy nhiên, không lâu sau thì người ta đã phát hiện ra nơi chôn giấu thi thể của
các Ngài.
Sau
khi được phát hiện ra, thi thể của Đức Cha Phô-ê-lân và của ba Đan Sĩ khác đã
được rước về Đan Viện của Ngài, tức Đan Viện St-Maur-des-Fosses, với một đoàn
rước lớn, và đã được an táng trong Đan Viện này. Ngay sau đó, dân chúng đã tôn
kính Ngài với tư cách là một vị Tử Đạo. Sự tôn kính dành cho Ngài đã mau chóng
lan rộng vượt ra cả bên ngoài nước Pháp. Một trong những nơi Ngài được tôn kính
cách đặc biệt, đó là Wallonie và Rheinland.
Sau
này, các Thánh Tích của Thánh Phô-ê-lân đã được chuyển đến nhiều địa điểm khác
nhau. Hiện tại, phần lớn Thánh Tích của Ngài được bảo quản trong nhà thờ kính
Thánh Phô-ê-lân tại Aachen, Đức Quốc. Đây cũng là nhà thờ duy nhất tại Đức mang
tên Thánh Phô-ê-lân.
Thánh
Nhân được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của những người xây cầu, của các Nha
Sĩ, của các Bác Sĩ phẫu thuật và của các Nữ Hộ Sinh.
Giáo
hội Công Giáo mừng kính Thánh Phô-ê-lân vào ngày 31 tháng 10 với bậc Lễ nhớ tự
do, tức Lễ bậc IV.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist